Tiếng Việt English
Hotline: (028) 6281 3021
CÔNG TY TNHH ĐIỀN TRANG
HOME
Hotline: (028) 6281 3021

Bệnh đốm trắng và biện pháp phòng ngừa sinh học cho vườn thanh long

TÓM TẮT

Năm 2013, một bệnh mới được ghi nhận ở hầu hết các nhà vườn trồng thanh long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Triệu chứng bệnh trên đồng ruộng là các vết đốm nhỏ, tròn, trũng lõm, màu trắng đến cam, sau đó phát triển thành các vết loét. Ổ bào tử hình thành trên bề mặt vết loét, rồi các vết loét này nứt ra và mục dần. Mẫu bệnh được thu ở một số nhà vườn tại Châu Thành, Tiền Giang. Chủng gây bệnh được phân lập trên môi trường WA và làm thuần trên môi trường PDA. Nấm phân lập được có dạng tơ bông sợi, màu xanh oliu đến xám và tiết sắc tố đen trên PDA. Chủng nấm được định danh là  Neoscytalidium dimidiatum dựa trên mô tả hình thái của Crous & cộng sự (2006).

Trichoderma sp. và Bacillus subtilis đối kháng với nấm Neoscytalidium dimidiatum được ghi nhận qua phương pháp cấy đôi.

NGUỒN GỐC CÂY THANH LONG

Thanh long là cây ăn trái thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mexico và Columbia, thuộc nhóm cây nhiệt đới khô. Hiện nay, các loài cây này được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới như:

  • Trung Đông: Israel
  • Châu Mỹ: Mexico, Colombia, Ecuador, Guatemala

Thanh long có ba loại:

Thanh long vỏ đỏ, ruột trắng chủ yếu đến từ Việt Nam và Thái Lan; thanh long vỏ đỏ, ruột đỏ đến chủ yếu từ Israel và Maylaysia; thanh long vỏ vàng, ruột trắng đến từ Colombia và Ecuador.

 

THANH LONG VIỆT NAM

Thanh long được người Pháp mang đến Việt Nam từ thế kỷ 19, trồng rải rác trong sân vườn, đến thập niên 1980 mới được

trồng thương mại. Phần lớn thanh long được trồng ở Việt Nam là loài Hylocereus undatus, có vỏ đỏ/ ruột trắng còn

lại là loại ruột đỏ. Loại vỏ đỏ ruột trắng chiếm 95%, 5% còn lại là loại vỏ đỏ, ruột đỏ. 

Hiện tại, thanh long đã được trồng rộng rãi ở các tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, diện tích tập trung lớn nhất là: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang (3 tỉnh này đã có hơn 37 ngàn ha) tiếp theo là Tây Ninh, Đồng Nai, một số tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

 

Việt Nam là nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Diện tích trồng thanh long ở Việt Nam tăng khá nhanh từ 5.512 ha năm 2000 lên đến 35.665 ha diện tích trồng thanh long với tổng sản lượng đạt khoảng 614.346 tấn vào năm 2014. Theo số liệu ước tính sơ bộ năm 2015, diện tích trồng mới gần 5.000 ha, sản lượng đạt khoảng 686.195 tấn.

(Nguồn vietnamtradeoffice.net )

 

BỆNH LẠ TRÊN THANH LONG

Năm 2013 là thời điểm bệnh đốm trắng (tắc kè) bùng phát mạnh trên cây thanh long và đã gây ra những thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Bệnh gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây, làm giảm năng suất, chất lượng quả. Đặc biệt, các vết đốm tồn tại trên quả đã làm giảm giá trị thương phẩm.

Những năm trước cũng đã xuất hiện bệnh đốm trắng, tuy nhiên chỉ ở mức độ rải rác và thiệt hại nhẹ, nên không được quan tâm nhiều. Trên thế giới, một số nước trồng thanh long cũng ghi nhận sự xuất hiện bệnh đốm trắng như Malaysia (năm 2008-2009), Đài Loan (năm 2011), Thái Lan (năm 2013).

 

Theo thống kê đến cuối năm 2013, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm trắng nhẹ ở tỉnh Bình Thuận là 800 ha, nặng 400 ha, trong tổng số 21 nghìn ha; Tiền Giang với gần 3000 ha thanh long thì có đến 2.420 ha nhiễm bệnh đốm trắng nhẹ, diện tích nhiễm nặng 80 ha; Long An, nhiễm đốm trắng nhẹ 766 ha, nặng 41 ha, trong tổng số gần 2.700 ha... và đang có xu hướng lây lan nhanh.

(Nguồn baomoi.com)

 Trước tình hình bệnh đốm trắng diễn biến phức tạp, Trung tâm công nghệ sinh học Điền Trang đã tiến hành thu mẫu bệnh ở một số nhà vườn thanh long vùng Châu Thành, Tiền Giang.

 

NGUYÊN NHÂN

Sau khi phân lập và định danh theo mô tả hình thái của Crous và cộng sự (2006), xác định nguyên nhân gây bệnh đốm trắng là nấm Neoscytalidium dimidiatum. Kết quả này tương tự như với các nghiên cứu ở Đài Loan (Chuang  et al.  2012) và ở Malaysia (Masratul Hawa, et al. 2013).

Nấm Neoscytalidium dimidiatum thuộc ngành Ascomycota, lớp Dothideomycetes, bộ Botryosphaeriales, họ Botryosphaeriaceae, chi NeoscytalidiumTrong một số tài liệu nghiên cứu trước đây, nấm này có một số tên khoa học như Torula dimidiata (1882),  Hendersonula toruloidea (1933),  Scytalidium dimidiatum  (1989),  Fusicoccum dimidiatum (2005) và hiện nay là Neoscytalidium dimidiatum (2006). Nấm N. dimidiatum có phạm vi phân bố rộng trên toàn thế giới và ký sinh được trên nhiều loài cây trồng như cây có múi, chuối, mận, xoài và nhất là cây thanh long. Nấm N. dimidiatum gây các triệu chứng như héo cành, chết mầm, thối, chảy gôm và làm chết cây. Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm N. dimidiatum là độ ẩm.

 

Triệu chứng gây bệnh của nấm N. dimidiatum trên thanh long được mô tả theo chuỗi hình ảnh phía dưới:

 

Trên môi trường PDA, tản nấm N. dimidiatum có dạng tơ bông sợi, ban đầu màu trắng sau chuyển dần sang xanh oliu đến xám, có tiết sắc tố đen. Nấm N. dimidiatum có tốc độ phát triển nhanh, mọc kín đĩa petri (f=9cm) trong 3 ngày.

Sợi nấm N. dimidiatum phân nhánh, có vách ngăn, màu nâu và có khả năng phân cắt thành các bào tử đốt. Bào tử hình ellip đến hình trứng, hình trụ hoặc tròn, kích thước  10.99±0.35 x 5.02±0.44mm, trong suốt đến nâu tối, thành bào tử dày, có 0-1 vách.

 

 

ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN BỆNH ĐỐM TRẮNG

Vào mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí cao, nhiệt độ dao động khoảng 20-30oC, đây là điều kiện thuận lợi để nấm N. dimidiatum tấn công gây bệnh và lây lan mạnh. Do khả năng tạo bào tử đốt mà nấm càng dễ dàng phát tán theo gió và nước mưa, nước tưới. Bào tử nấm hiện diện ở trong đất, trong nước, trong không khí và nhất là trên các vết bệnh, vì đây là nơi tập trung rất nhiều ổ bào tử. Bệnh sẽ phát sinh và phát triển mạnh trên những vườn có mực thủy cấp cao, những vườn vệ sinh kém, để dây rậm rạp, không được cắt tỉa và bị che mát nhiều, vườn sử dụng nhiều phân đạm hay phân chuồng chưa ủ hoại.

(Nguồn binhthuan.gov.vn)

Do đó, cần có biện pháp phòng ngừa từ sớm bệnh đốm trắng nhằm hạn chế bệnh phát triển và lây lan trong vườn cũng như trong phạm vi vùng, giảm thiệt hại cho bà con nông dân trồng thanh long.

 

KHẢO SÁT ĐỐI KHÁNG

Sau khi phân lập và định danh nấm gây bệnh đốm trắng là nấm N. dimidiatum, Trung tâm công nghệ sinh học Điền Trang đã làm nhiều thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như trên đồng ruộng để tìm ra một số dòng vi sinh vật đối kháng có khả năng kiểm soát bệnh đốm trắng. Từ năm 2013, Điền Trang đã ứng dụng vi khuẩn Bacillus subtilis kết hợp với nấm Trichoderma để kiểm soát nấm bệnh đốm trắng N. dimidiatum và đạt được những phản hồi tốt từ bà con nông dân.

VI KHUẨN Bacillus subtilis ĐỐI KHÁNG MẠNH VỚI NẤM Neoscytalidium dimidiatum

Tên gọi ban đầu là Vibrio subtilis năm 1835, vi khuẩn này được đổi tên thành 

Bacillus subtilis năm 1872. Các tên khác của vi khuẩn này cũng bao gồm Bacillus uniflagellatus, Bacillus globigiiBacillus natto.

Vi khuẩn Bacillus subtilis là trực khuẩn, gram dương, được tìm thấy trong đất, trong đường tiêu hóa của động vật nhai lại và con người. Bacillus subtilis phát triển trong phạm vi nhiệt độ trung bình. Nhiệt độ tối ưu là 25-35oC. Các điều kiện khắc nghiệt (như nhiệt độ, pH, độ ẩm, ánh sáng, độ mặn…) thường xảy ra trong môi trường sống của Bacillus subtilis, do đó, Bacillus subtilis đã tạo bào tử để có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt này.

Vi khuẩn Bacillus subtilis tiết ra các enzym như amylase, protease, pullulanase, chitinase, xylanase, lipase ... và các enzyme này đã được sản xuất thương mại. Ngoài ra,  do có khả năng tạo ra kháng sinh nên Bacillus subtilis có thể đối kháng khá tốt với những vi khuẩn (Ralstonia solanacearu, Xanthomonas và Erwinia …) và nấm bệnh hại cây trồng (Fusarium, Verticillium, Pythium, Colletotrichum, Neoscytalidium…).

 (Nguồn microbewiki.kenyon.edu)

Ngày nay, Bacillus subtilis đã và đang được nghiên cứu rộng rãi với nhiều tiềm năng và ứng dụng hiệu quả trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, xử lý môi trường… Đối với nông nghiệp, một số chủng Bacillus subtilis có khả năng phân giải đạm, lân khó tan và đối kháng với một số nấm bệnh hại cây trồng.

Trong bộ sưu tập giống vi khuẩn tại Trung tâm công nghệ sinh học Điền Trang,  đã chọn được một số dòng vi khuẩn có khả năng đối kháng với nấm N. dimidiatum, trong số đó vi khuẩn Bacillus subtilis cho kết quả tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

NẤM Trichoderma sp. ĐỐI KHÁNG VỚI NẤM Neoscytalidium dimidiatum

Từ khá lâu, nấm Trichoderma đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng trong nông nghiệp. Họ sử dụng nấm Trichoderma để ủ compost và đặc biệt là phòng ngừa bệnh do nấm hại cây trồng gây ra. Hiện nay xu thế nông nghiệp đang phát triển theo hướng hữu cơ an toàn và bền vững, các nhà vườn trong nước cũng bắt đầu sử dụng nấm Trichoderma để phòng ngừa một số bệnh do nấm hại gây ra.

 

Đối với nấm N. dimidiatum, nấm Trichoderma có khả năng kiểm soát được nấm bệnh này theo 3 cơ chế: cạnh tranh dinh dưỡng và không gian sống, tiết kháng sinh và ký sinh.

 

KẾT LUẬN

Nấm Neoscytalidium dimidiatum là tác nhân chính gây bệnh đốm trắng cho cây thanh long. Do nấm N. dimidiatum tạo bào tử đốt nên rất dễ dàng phát tán đi xa. Đồng thời, bào tử nấm N. dimidiatumtồn tại trong điều kiện khắc nghiệt và  khô hạn. Khi điều kiện môi trường thuận lợi (thường vào đầu mùa mưa) kết hợp với khả năng phát tán bào tử xa, từ một bụi thanh long nhỏ bị nhiễm bệnh, cũng có thể gây ra dịch cho toàn vùng.  Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh đốm trắng là rất cần thiết và việc này giúp bệnh không phát thành dịch lây lan trên diện rộng.

Ứng dụng biện pháp phòng ngừa sinh học, cụ thể là kết hợp vi khuẩn Bacillus subtilis và nấm Trichoderma trong sản phẩm Điền Trang Tricho Thanh long đã đạt những kết quả mong đợi. Nhiều nhà vườn áp dụng phương pháp canh tác sinh học đã chặn đứng được dịch bệnh đốm trắng năm 2013. Hiện nay việc phòng ngừa bệnh đốm trắng theo hướng sinh học đạt hiệu quả và giảm thiệt hại đáng kể. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus subtilis và nấm Trichoderma còn phòng ngừa hiệu quả một số bệnh khác trên thanh long như bệnh thán thư (mắt cua) do nấm Colletotrichum sp., bệnh thối đầu cành do nấm Alternaria sp. …

Sử dụng vi sinh vật đối kháng để kiểm soát nấm bệnh hại cây trồng không những an toàn cho bà con nông dân mà còn tránh được tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, sẽ rất thuận lợi cho những nhà vườn sản xuất thanh long sạch để xuất khẩu.

Để phòng ngừa dịch bệnh đốm trắng bùng phát, nhà vườn thanh long có thể thực hiện các bước quản lý bệnh theo đường link dưới:

https://phanbondientrang.vn/ky-thuat/phong-ngua-benh-dom-trang-thanh-long-403.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chuang  M.F.,  Ni  H.F.,  Yang  H.R.,  Shu  S.L.,  and  Lai  S.Y.  (2012).  First  Report  of  Stem Canker  Disease  of  Pitaya  (Hylocereus  undatus  and  H.  polyrhizus)  Caused  by Neoscytalidium dimidiatum in Taiwan. The American Phytopathological Society
  2. Masratul  Hawa  M.,  Salleh  B.  and  Latiffah  Z.  (2013)  Identification  and  Molecular Characterizations  of  Neoscytalidium  dimidiatum  Causing  Stem  Canker  of  Red-fleshed Dragon Fruit (Hylocereus polyrhizus) in Malaysia. Journal of phytopathology
  3. Thongkham D., Soytong K. (2016) Isolation,  Identification,  and  Pathogenicity  Test  from Neoscytalidium  dimidiatum  Causing  Stem  Canker  of  Dragon Fruit. International Journal of Agricultural Technology
  4. http://nongnghiep.vn/huong-moi-dieu-tri-benh-dom-trang-dom-nau-cay-thanh-long-post118246.html
  5. http://nongnghiep.vn/trichoderma-tai-nguyen-duoc-danh-thuc-post35604.html
  6. http://vietnamtradeoffice.net/tinh-hinh-san-xuat-va-tieu-thu-thanh-long-viet-nam/
  7. http://iasvn.org/homepage/Tinh-hinh-san-xuat,-thi-truong-xuat-nhap-khau-thanh-long-tren-the-gioi-9730.html
  8. https://baomoi.com/benh-dom-trang-hoanh-hanh-tren-cay-thanh-long/c/13257748.epi
  9. http://www.binhthuan.gov.vn/wps/portal/binhthuan/congdan/tintuc/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gfDxcLQ2MDQ0933yBXA0c

          LowAfR_MQI3dDE_2CbEdFAL9WmyY!/?PC_7_LHD81301IGMRE0A82PLA7T2GP2_WCM_CONTEXT=/wps/wcm/connect/bt_vi/bt_noi_dung/

          tin_tuc/tin_cong_dan/4fdd118044108c7c8329ffc99400242c&cur_id=4fdd118044108c7c8329ffc99400242c

      10. https://microbewiki.kenyon.edu/index.php/Bacillus_subtilis

 

     

STEM/ FRUIT CANKER DISEASE (WHITE/ BROWN SPOT) AND BIOCONTROL FOR DRAGON FRUIT PLANTATIONS

ABSTRACT

In 2013, a new disease was noticed in most dragon fruit plantations in Binh Thuan, Long An, Tien Giang. The observed symptoms were small, circular, sunken, white to orange spots on dragon fruit’s stems and fruits that developed to cankers. Pycnidia were formed on the surface of the cankers and stems subsequently rotted. Diseased samples were collected from some farms in Chau Thanh, Tien Giang. Diseased isolate was done on WA medium and purified on PDA medium. The isolated fungus has hairy colony and olive green to greyish colony with dark-grey to black pigmentation onPDA. It was identified as Neoscytalidium dimidiatum based on morphological characteristics of Crous & Partner (2006).

The antagonistic activity of Trichoderma sp. and Bacillus subtilis against Neoscytalidium dimidiatum (isolated fungus) was identified by dual culture experiments. 

KS Vũ Nguyễn Bảo Châu - Trung tâm công nghệ sinh học Điền Trang

 

 

 



Bài viết xem nhiều nhất

Bài viết liên quan

Điều khoản hoạt động | Chinh sách quyền riêng tư | Chính sách xóa tài khoản trên ứng dụng | BCT