Để cây tiêu vững chân trên đất mới
Nhờ áp dụng đúng quy trình chăm sóc nên các vườn tiêu ở Hoài Nhơn phát triển tốt, năng suất ngày càng tăng
Suốt 5 năm qua, giá tiêu ngày càng tăng khiến nông dân ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) ngày càng "say" loại cây trồng khá mới mẻ ở này. Để cây tiêu trụ vững trên đất mới, tránh tổn thất cho người trồng, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp canh tác cây tiêu theo hướng bền vững.
Trong 5 năm qua, diện tích cây tiêu không ngừng tăng trưởng trên đất Hoài Nhơn. Đến cuối năm 2015, diện tích tiêu của huyện đã chạm đến con số 100ha, trong đó có khoảng 50ha đang trong thời kỳ kinh doanh.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, dù là loại cây trồng mới nhưng cây tiêu cho thấy rất phù hợp với đồng đất Hoài Nhơn, nhất là trên những chân đất đá ong, sỏi cốm. Đây là loại cây trồng có vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao nhưng do bấy lâu nay bà con phát triển tự phát nên họ vẫn chưa nắm bắt hết quy trình kỹ thuật, dẫn tới năng suất tiêu cho chưa như mong muốn, mới chỉ đạt khoảng 680 kg/ha. Để cây tiêu phát triển bền vững, trong thời gian qua huyện đã tích cực chuyển giao các tiến bộ KHKT vào SX.
“Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây tiêu với diện tích 2ha tại huyện Hoài Nhơn. Qua đó, người trồng đã nắm vững được kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây tiêu theo hướng bền vững; tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết.
Sau khi tiếp cận được kỹ thuật canh tác, hiệu quả mang lại tăng cao trông thấy. Ví như trường hợp của nông dân Bùi Văn Trai ở thôn Giao Hội 2, xã Hoài Tân, người đang có vườn tiêu rộng 1ha đã được 8 năm tuổi. Sau khi áp dụng các tiến bộ KHKT vào canh tác cây tiêu, trong 2 năm gần đây, năm nào ông Trai cũng có mức lãi ròng trên 200 triệu đồng/vụ.
Ông Trai chia sẻ: “Nhờ học tập, ứng dụng các tiến bộ KHKT theo các mô hình trình diễn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu; đặc biệt là phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Trichomix-DT, men Trichoderma cộng với phân chuồng đã giúp cho vườn tiêu của tôi luôn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, giảm được 60% lượng phân hóa học và 40% chi phí đầu tư”.
Để cây tiêu phát triển ổn định, từ khâu trồng nông dân đã áp dụng đúng kỹ thuật được ngành chức năng chuyển giao
Ở Hoài Nhơn đang có không ít những vườn tiêu có từ 1.000 trụ trở lên. Có thể đơn cử một số hộ ở xã Hoài Thanh như: Ông Nguyễn Văn Lâm có 2.500 trụ tiêu, ông Hoàng Thiết 1.800 trụ, ông Nguyễn Văn Lọc 1.000 trụ; hoặc như hộ anh Bùi Văn Cường ở xã Hoài Tân có 1.200 trụ, ông Nguyễn Tán ở xã Hoài Hảo có 1.200 trụ…
“Nhờ mấy năm nay giá tiêu luôn ổn định và không ngừng tăng cao nên đã kích thích người trồng tiêu ở đây mạnh dạn đầu tư kỹ lưỡng cho vườn tiêu của mình”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn nhận định.
Để chuyển giao sâu rộng các tiến bộ KHKT được ngành khuyến nông các cấp tập huấn, các hộ trồng tiêu ở huyện Hoài Nhơn đã thành lập các chi hội trồng tiêu để giúp nhau cùng phát triển. Toàn huyện có 5 chi hội trồng tiêu đã được thành lập tại các xã Hoài Hảo, Hoài Phú, Hoài Tân, Hoài Thanh và Hoài Thanh Tây.
Anh Trần Ngọc Công, Chi hội trưởng Chi hội trồng tiêu xã Hoài Tân chia sẻ: “Để phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, năm 2014 chi hội trồng tiêu của xã được thành lập với 35 hội viên tham gia. Đến nay toàn chi hội có 32 vườn tiêu với trên 7.000 trụ đang phát triển xanh tốt. Hiện mức lãi ròng từ cây tiêu trên địa bàn xã đã đạt từ 30 - 40 triệu đồng/năm/100 trụ”.
Những năm gần đây giá tiêu liên tục tăng giúp cho nhiều bà con trồng tiêu ở Hoài Nhơn có thu nhập khá, bình quân mỗi hộ trồng tiêu đạt mức lãi ròng từ 70 đến 100 triệu đồng/vụ, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tuy nhiên, UBND huyện vẫn khuyến cáo nông dân không nên trồng tiêu quá ồ ạt, cũng không nên trồng diện tích quá lớn trong một hộ, để tránh rủi ro về sau. Để từng bước đưa cây tiêu trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương quy hoạch lại những vùng có tiềm năng, lợi thế để quản lý và cân đối nhu cầu có lợi cho nông dân.
“Trước lợi thế chất lượng tiêu ở Hoài Nhơn có chất lượng ngon hơn tiêu ở các vùng khác, chúng tôi đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, phát triển cây tiêu một cách lâu dài, kết hợp giữa đầu tư sản xuất, chế biến, thu mua, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để tạo nền tảng phát triển cây tiêu bền vững”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn nói.
An Nhơn/ NNO
(Nguồn từ Chuyện Nhà Nông - Diễn đàn của Nông dân Việt)
Bài viết xem nhiều nhất
-
Sản xuất hữu cơ để nâng cao chuỗi giá trị nông sản
-
Cây giống cà phê giá tăng gấp 2 - 3 lần vẫn 'cháy hàng'
-
Giá cà phê hôm nay 20/3/2024: Tăng nóng, sắp chạm ngưỡng 95.000 đ/kg
-
Tăng năng suất bưởi da xanh bằng phương pháp hữu cơ sinh học
-
Hướng dẫn ủ phân hữu cơ có sử dụng nấm đối kháng Trichoderma
-
Sầu riêng: Mỏ vàng mới của Đông Nam Á
Bài viết liên quan
-
Vườn sầu riêng quả căng tròn, múi to, hạt nhỏ
-
Tất bật thụ phấn cho bưởi tiến vua
-
Gió chướng thổi, nước mặn ngược lên, vườn trồng cây tiền tỷ ở Tiền Giang đang được bảo vệ ra sao
-
Giá cà phê hôm nay 20/3/2024: Tăng nóng, sắp chạm ngưỡng 95.000 đ/kg
-
Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu
-
Giá sầu riêng hôm nay 18/3: Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu sầu riêng