Tiếng Việt English
Hotline: (028) 6281 3021
CÔNG TY TNHH ĐIỀN TRANG
HOME
Hotline: (028) 6281 3021

Nghiên cứu giải pháp xử lý rơm nhằm cải thiện môi trường đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nghiên cứu giải pháp xử lý rơm nhằm cải thiện môi trường đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tác giả: Nguyễn Xuân Dũ, Khóa 2011 đợt 2

Chuyên ngành: Môi trường đất và nước

Mã số: 62440303. Nhóm ngành: Khoa học tự nhiên  Người hướng dẫn chính: PGS.TS. Trương Thị Nga, Trường Đại học Cần Thơ.

 

1. Tóm tắt nội dung luận án

Đề tài: Nghiên cứu giải pháp xử lý rơm nhằm cải thiện môi trường đất trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện nhằm:

     - Đánh giá hiện trạng xử lý rơm tại các vùng thâm canh lúa thuộc tỉnh Tiền Giang

     - Đánh giá ảnh hưởng của việc đốt đồng đến tính chất lý hóa đất lúa thâm canh. - Đánh giá khả năng ủ phân compost từ rơm và quá trình phân hủy rơm trên ruộng với việc bổ sung các chế phẩm sinh học

    - Đánh giá hiệu quả của việc vùi rơm trên ruộng đến tính chất lý hóa đất

    - Quy trình xử lý rơm trên đồng ruộng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Kết quả đánh giá được hiện trạng xử lý rơm qua khảo sát hiện trạng sử dụng và xử lý rơm sau thu hoạch tại Tiền Giang trên cơ sở phỏng vấn 400 hộ dân sử dụng phiếu điều tra nông hộ tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo và Gò Công Tây. Có 92-97% ý kiến trả lời của người dân ở các huyện khảo sát cho rằng đốt đồng ở vụ Đông Xuân, trừ huyện Chợ Gạo có đến khoảng 95% số hộ tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch. Vụ Thu Đông có 25-54% ý kiến nông dân tại huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy để rơm phân hủy tự nhiên trên ruộng. Khảo sát, đánh giá tính chất lý hóa đất canh tác có đốt đồng lâu năm và không đốt đồng tại huyện Cái Bè qua thu mẫu đất ở độ sâu 0-20 cm tại ấp Mỹ Thuận, ấp Mỹ Trung xã Hậu Mỹ Bắc B và ấp Hậu Phú 1 xã Hậu Mỹ Bắc A. Tính chất đất canh tác có đốt đồng lâu năm như pH, đạm dễ tiêu, lân dễ tiêu, kali trao đổi thấp và có xu hướng tăng ở ruộng không đốt đồng. Đặc biệt, kết quả cho thấy đất đốt đồng lâu năm có hàm lượng chất hữu cơ thấp. Nghiên cứu ủ phân compost và bón trả lại chất hữu cơ từ rơm rạ và xử lý rơm tại ruộng là một giải pháp duy trì tính chất  đất. Nghiên cứu ủ phân compost từ rơm được bố trí gồm 5 nghiệm thức với các chế phẩm Biomix, Emic, Trichomix-DT và nước thải Biogas. Kết quả cho thấy các chế phẩm này và nước thải Biogas có hiệu quả thúc đẩy quá trình phân hủy và rút ngắn thời gian phân hủy. Trong đó hai chế phẩm Trichomix-DT và Biomix đáp ứng được yêu cầu xử lý trên đồng ruộng. Nghiên cứu xử lý rơm tại đồng ruộng với các chế phẩm sinh học Biomix, Trichomix-DT, AT bio-decomposer. Kết quả cho thấy xử lý rơm trực tiếp trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học làm giảm 70% khối lượng rơm, cung cấp lượng chất hữu cơ, làm tăng kali trao đổi trong đất. Bên cạnh đó góp phần làm tăng đạm dễ tiêu (NH4+ và NO3-) và lân dễ tiêu. Nghiên cứu đã xây dựng được quy trình xử lý rơm tại ruộng bằng chế phẩm sinh học thích hợp với điều kiện canh tác lúa ở huyện Cái Bè và có thể nâng cao khả năng áp dụng nhằm quản lý bền vững tài nguyên đất trồng lúa cụ thể trong điều kiện tỉnh Tiền Giang.

 

2. Những kết quả mới của luận án

 So với các công trình nghiên cứu gần đây, nghiên cứu tập trung vào một số điểm mới cơ bản như sau:

    - Đánh giá được hiện trạng xử lý rơm và tính chất đất canh tác đốt đồng lâu năm tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang tại thời điểm nghiên cứu (2013-2015).

    - Lựa chọn được chế phẩm sinh học có hiệu quả trong xử lý rơm bằng ủ phân compost và vùi rơm tại ruộng.

    - Đánh giá được tốc độ phân hủy rơm trong điều kiện vùi rơm có sử dụng chế phẩm sinh học tại đồng ruộng.

    - Đánh giá được tác động của vùi rơm trên ruộng đến tính chất lý hóa đất và năng xuất lúa tại vùng thâm canh lúa huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

    - Đề xuất quy trình xử lý rơm tại ruộng thay thế đốt đồng phù hợp với đều kiện thâm canh lúa tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang

 

3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn

    - Luận án cung cấp những thông tin khoa học về tính chất đất trong điều kiện canh tác đốt đồng lâu năm và không đốt đồng cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển nông thôn và nông thôn mới. Kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở khuyến cáo nông dân canh tác lúa theo hướng không đốt đồng, hướng đến canh tác lúa sinh thái và bền vững.

    - Luận án đã đề xuất được quy trình xử lý rơm tại ruộng phù hợp với điều kiện thâm canh lúa ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Điều này làm giảm thiểu những tác động xấu của đốt đồng sau thu hoạch đến môi trường.

    - Kết quả nghiên cứu là nguồn số liệu khoa học về tính chất đất ruộng lúa trong điều kiện canh tác có đốt đồng và không đốt đồng.

    - Công trình nghiên cứu là các số liệu khoa học cơ bản sử dụng cho giảng dạy và nghiên cứu trong với các đề tài tương tự.

    - Kết quả có thể dùng tham khảo cho các mô hình áp dụng xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học.

    - Quy trình có thể được áp dụng ở những nơi đốt đồng có điều kiện tương tự.

NCS Nguyễn Xuân Dũ

 (Nguồn gs.ctu.edu.vn/ Luận án tiến sĩ NCS Nguyễn Xuân Dũ - ĐH Cần Thơ))

 





Điều khoản hoạt động | Chinh sách quyền riêng tư | Chính sách xóa tài khoản trên ứng dụng | BCT