Tiếng Việt English
Hotline: (028) 6281 3021
CÔNG TY TNHH ĐIỀN TRANG
HOME
Hotline: (028) 6281 3021

Tăng năng suất bưởi da xanh bằng phương pháp hữu cơ sinh học

 

 

     Bưởi da xanh là loại trái cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Với diện tích trên 4.000 hecta, cây bưởi da xanh được xác định là một trong các loại cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre. Thời gian qua, giá bán bưởi da xanh ổn định ở mức cao nhờ có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

     Nhằm giúp nông dân sản xuất bền vững, an toàn, đạt giá trị kinh tế cao, trong năm 2012, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bến Tre đã thực hiện mô hình thâm canh tổng hợp bưởi da xanh bằng biện pháp hữu cơ sinh học tại các địa phương trong tỉnh.

     Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 6/2012 tại 60 hộ dân trồng bưởi da xanh ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách; Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam và thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, diện tích canh tác 15 hecta. 

     Nhà vườn tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào quy trình thâm canh bưởi da xanh bền vững, an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Bà con được hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng thuốc trừ sâu sinh học; sử dụng nấm Trichoderma dạng tinh để tưới và phun để phòng bệnh và cải thiện môi trường sản xuất; sử dụng axit humic nhằm cải thiện hóa lý tính của đất, gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cải thiện sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của trái bưởi. Ngoài ra, hàng tháng cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình còn trực tiếp đến các hộ tham gia mô hình góp ý cho bà con cách xử lý các vấn đề phát sinh trong vườn như sâu bệnh, tình hình sinh trưởng, phát triển, tỉa bớt bóng che, tỉa trái hợp lý, hướng dẫn cách ghi chép sổ theo dõi.

 
 

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Phú, ngụ xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam canh tác bưởi da xanh bằng phương pháp hữu cơ sinh học đạt thu nhập cao. (Ảnh: C.D)

 

     Kết quả, sau khi thực hiện mô hình thâm canh tổng hợp bưởi da xanh bằng phương pháp hữu cơ sinh học, các vườn bưởi phát triển tốt, tạo được sự đồng thuận trong nông dân.

     Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh Super Humic phối hợp với phân hóa học đã giúp tăng hiệu quả sử dụng của phân bón trong vườn, thể hiện qua việc duy trì màu xanh của cây bưởi lâu hơn so với chỉ bón phân hóa học. Cây ra tược tập trung, mập, mạnh hơn cách nhà vườn chăm sóc thông thường trước đây. Đất trong vườn thoáng, xốp nên hiện tượng bệnh vàng lá thối rễ giảm hơn 50% so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình.

     Đối với chế phẩm Trichomix - DT thực hiện trong mô hình, các hộ dùng ủ phân hữu cơ, phun lên tán cây ở thời kỳ mưa tập trung, phun xịt lên lớp phủ liếp bằng tàn dư thực vật. Kết quả cho thấy sản phẩm giúp rút ngắn thời gian ủ phân từ vài tháng trong điều kiện bình thường, xuống còn 1 tháng là phân đã hoai để sẵn sàng đem bón cho vườn. Hiện tượng xì mủ thân cành sau mùa mưa so với cùng kỳ năm trước cũng giảm hơn 40%.

     Đối với thuốc trừ sâu sinh học Abamectin, dùng phòng trị sâu đục trái bưởi, qua thực tế sử dụng của các nông hộ thấy thuốc có hiệu lực cao đối với sâu tuổi nhỏ chưa đục sâu vào bên trong trái, ít gây chết kiến vàng trong vườn. Tuy nhiên, do sâu đục trái xuất hiện nhiều lứa liên tục nên việc phòng trừ bằng thuốc chỉ mang tính dập dịch ở một thời điểm nhất định, nếu lạm dụng sẽ gây đổ vỡ cân bằng sinh thái vốn được thiết lập từ lâu ở các vườn bưởi tham gia mô hình (gây chết và xua đuổi kiến vàng ra khỏi vườn).

     Hiện tại, các nhà vườn đang được khuyến cáo kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp như bao trái, sử dụng các chất xua đuổi như long não, bột tỏi, thu gom và tiêu hủy trái bị nhiễm sâu để ngăn chặn sự lây lan. Đây là hướng quản lý tổng hợp có hiệu quả đối với sâu đục trái hiện nay.

    Nhà vườn sau khi tham gia mô hình có ý thức hơn trong việc tổ chức hợp tác sản xuất bưởi an toàn bằng biện pháp hữu cơ sinh học. Bà con biết lựa chọn phân bón cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây; chú ý bón phân cân đối giữa phân hóa học với phân hữu cơ sinh học nhằm giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón và tăng tính bền vững cho vườn cây. Qua đó, tạo tiền đề liên kết với doanh nghiệp để sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP theo lộ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mở ra khả năng tăng sức tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. So sánh cho thấy, chi phí đầu tư thực hiện mô hình cao hơn so với sách sản xuất đại trà của nhà vườn 27,8%, nhưng lợi nhuận thu được cũng cao hơn 32,6%.

    Ông Nguyễn Văn Phú, nhà vườn trồng bưởi da xanh ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam cho biết: ”Tham gia mô hình tôi thu được nhiều điều lợi so với sản xuất thông thường trước đây. Với 2.000 m2bưởi da xanh, tôi thu được sản lượng 1.250kg, cao hơn 380kg so với sản xuất đại trà. Giá bán bình quân 19.000 đồng/kg, cao hơn sản xuất đại trà 2.000 đồng/kg. Thu nhập từ mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ sinh học của tôi đạt 23.200.000 đồng, cao hơn sản xuất đại trà 8.200.000 đồng.”

    Theo đánh giá chung, mô hình thâm canh tổng hợp bưởi da xanh bằng biện pháp hữu cơ sinh học giúp tăng năng suất hơn 20% so với sản xuất đại trà, 70% trái đạt loại I, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/hecta, cao hơn sản xuất đại trà 60 triệu đồng/hecta.

    Kỹ sư Hồ Văn Lập, cán bộ kỹ thuật Trung tâm KNKN Bến Tre cho biết: ”Sản xuất thâm canh bưởi da xanh bằng biện pháp hữu cơ sinh học đã đáp ứng được nguyện vọng của người trồng bưởi là vườn ít sâu bệnh, cho thu nhập cao, ít gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm có sản lượng cao, chất lượng tốt tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Từ kết quả này, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bến Tre khuyến cáo nông dân mạnh dạn áp dụng để hướng đến sản xuất ổn định, bền vững, đạt được hiệu quả kinh tế cao”. 

Cao Dương (Cổng thông tin điện tử Bến Tre)




Điều khoản hoạt động | Chinh sách quyền riêng tư | Chính sách xóa tài khoản trên ứng dụng | BCT